THUẦN DƯỠNG CÂY DẠI THÀNH RAU ĐẶC SẢN

Sinh ra và lớn lên bên cánh đồng muối, tuổi thơ của Trần Văn Quân (37 tuổi, P.Mai Hùng, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) gắn bó với cây rau nhót mọc hoang. Rau nhót có hình dạng khá giống với cây hoa mười giờ, thường mọc ở các đầm tôm, ven cánh đồng muối ở H.Quỳnh Lưu và TX.Hoàng Mai, người dân địa phương thường hái về làm món nộm để ăn với cơm. Rau nhót có pha chút vị mặn, chua, ngọt nên rất dễ ăn và ngon miệng. Mặc dù là loại thức ăn ngon, thành món ăn đặc sản của vùng quê này, nhưng người dân vùng biển nơi đây cũng chỉ xem rau nhót là cây rau dại, không ai nghĩ có thể trồng để ăn quanh năm.

“Đây là loài rau ngon, tại sao không thuần dưỡng để trồng, tạo thành món ăn phổ biến cho nhiều nơi khác?”, Trần Văn Quân nghĩ và năm 2016, anh quyết định khởi nghiệp bằng việc thuần dưỡng để trồng cây rau dại này. Quân đi khảo sát, tìm kiếm và đã thuê được 1 ha đất ven biển của các hộ dân ở P.Mai Hùng để trồng rau nhót. Việc anh quyết định đầu tư trồng rau nhót ban đầu vấp phải sự ngăn cản của người thân khi họ cho rằng cơ hội thành công là rất ít.
Tuy nhiên, Quân vẫn quyết định thực hiện bằng được ý định. Năm 2018, Quân vay mượn được hơn nửa tỉ đồng để cải tạo xong đất, đầu tư hạ tầng, hệ thống tưới tự động. Anh thuê người dân địa phương đi tìm, nhổ giống rau nhót về trồng. Cây rau mọc hoang, tưởng chừng như rất dễ trồng, nhưng thực ra lại không như anh nghĩ.
Lứa rau đầu tiên, Quân dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để chăm sóc, nhưng rau nhót cứ lụi dần, trong khi cỏ dại lại mọc um tùm. Cho rằng rau nhót bị lụi là do chế độ nước tưới chưa phù hợp nên Quân tiếp tục trồng lần thứ 2 và lại thất bại. Lần thứ ba, thứ tư, vừa trồng vừa theo dõi và rất kỳ công, Quân mới tìm được công thức chăm sóc phù hợp cho rau nhót. Sau 2 năm khổ công, đến cuối năm 2019, lứa rau đầu tiên thành công, nhưng khi chuẩn bị ra thị trường thì dịch Covid-19 ập đến. Rau trồng nhưng không biết bán cho ai. Đến đầu năm nay, những nỗ lực của Quân đã được đền đáp khi trang trại rau nhót mang lại thu nhập rất tốt cho anh.
Rau nhót hiện được bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. Theo tính toán của Quân, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi héc ta rau nhót có thể cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ngoài việc cung cấp rau nhót cho nhiều địa phương trong nước, Quân còn cung cấp giống rau nhót và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng cho những người có nhu cầu trồng. Anh cũng đang khảo sát, tìm địa điểm ở một tỉnh phía nam có điều kiện phù hợp để thuê đất, mở rộng mô hình rau nhót để cung cấp cho thị trường khu vực này.
Mô hình khởi nghiệp bằng rau nhót của Trần Văn Quân lọt vào tốp đầu cuộc thi tìm kiếm tài năng ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Nghệ An năm 2021.
#Nguồn: Báo thanh niên  – https://thanhnien.vn/thuan-duong-cay-dai-thanh-rau-dac-san-post1462503.html
#nongsanphuminhtam