Phương pháp thực dưỡng gạo lức muối mè hay còn gọi là phương pháp Oshawa, xuất phát từ Nhật, được truyền miệng là tốt cho sức khỏe và chữa được một số bệnh.
Gạo huyết rồng không phải là gạo lức đỏ. Phương pháp này du nhập vào nước ta khá lâu nhưng gần đây trở nên phổ biến. Một số người đã áp dụng phương pháp này để hỗ trợ trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, béo phì, đái tháo đường, ăn chay, ăn để tăng cường sức khỏe.
Phương pháp này đúng – sai và có tác dụng tới đâu cần phải có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ cảnh báo một số ngộ nhận giữa gạo lức và gạo huyết rồng, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Chỉ số đường huyết là gì?
Chỉ số đường huyết (CSĐH – có thang điểm từ 0-100) là khả năng làm tăng đường huyết ở người sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó.
Thực phẩm có CSĐH càng thấp thì càng làm thực phẩm tiêu hóa chậm, tăng thời gian lưu trong đường tiêu hóa, làm chúng ta no lâu hơn.
CSĐH được ứng dụng trong thực đơn của người bệnh đái tháo đường (giúp tăng đường huyết từ từ), người bệnh béo phì…
CSĐH được chia làm ba nhóm: thực phẩm có CSĐH thấp khi CSĐH <55, trung bình khi CSĐH 56-69 và cao khi CSĐH ≥ 70.
Gạo lức thường (brown rice) có nguồn gốc từ tất cả các loại gạo thông thường nhưng được xay sơ, chỉ vừa mới bóc đi lớp vỏ trấu, vẫn còn lớp cám bao bọc bên ngoài nên có màu nâu, bẻ đôi hạt gạo thấy lõi trắng bên trong, nếu giã sạch lớp cám này sẽ cho ra gạo trắng, loại chúng ta ăn hằng ngày. Gạo lức còn giữ lại lớp cám chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin E, B1, B3, B6, Mg, Mn, chất xơ, chất sắt.
Ở loại gạo trắng, qua quá trình xay giã kỹ sẽ mất 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, 50% Mn và hầu hết chất xơ.Gạo lức rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi đến các cửa hàng gạo tại TP.HCM mua gạo lức bạn sẽ được bán loại gạo huyết rồng có màu đỏ. Thậm chí nhiều người bán còn giải thích đó là loại gạo lức huyết rồng, hỗ trợ điều trị bệnh còn tốt hơn cả gạo lức.
Gạo huyết rồng (red rice) là giống lúa sạ được trồng ở vùng nước ngập sâu, hạt lúa mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, gạo nấu cơm thơm ngậy, cơm gạo huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hay được dùng làm bột dinh dưỡng cho trẻ em.
Như vậy, thực chất một số bà con theo phương pháp thực dưỡng gạo lứt muối mè đã dùng gạo huyết rồng chứ không thật sự dùng gạo lứt. Gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết cao
Theo y văn thế giới, gạo lức thuộc loại gạo có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình, phù hợp với người bệnh đái tháo đường và đối tượng béo phì ăn kiêng vì giúp tiêu hóa chậm, làm tăng đường huyết từ từ, ổn định đường huyết.
Trong khi đó theo nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, gạo huyết rồng lại có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao (chỉ số đường huyết của gạo huyết rồng là 75,1), hoàn toàn không phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường, vì nếu dùng thường xuyên sẽ làm mất ổn định đường huyết, làm bệnh nhân nhanh xuất hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Vì vậy, nếu người bệnh đái tháo đường áp dụng phương pháp thực dưỡng gạo lức muối mè thì cần tìm mua đúng loại gạo lức, tránh mua nhầm gạo huyết rồng, từ hỗ trợ hỗ trợ điều trị bệnh lại thành hại chính mình.
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)